Chùa Linh Ứng Bãi Bụt – Hành trình về miền đất Phật

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt hay còn gọi là chùa Linh Ứng Sơn Trà, là một trong “Tam Linh Ứng tự” tại Đà Nẵng. Không chỉ nổi tiếng với cảnh quan hùng vĩ, kiến trúc tráng lệ, chùa Linh Ứng Bãi Bụt còn là nơi xuất hiện nhiều hiện tượng linh thiêng thu hút những “bước chân tò mò” của nhiều du khách, Phật tử. Trong bài viết này, hãy cùng Sun World khám phá nét độc đáo của chùa Linh Ứng Bãi Bụt – nơi những di sản lịch sử nhân loại và linh khí đất trời hội tụ, hứa hẹn sẽ tạo nên một trải nghiệm không thể nào quên.

Tổng quan về chùa Linh Ứng Bãi Bụt

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Đà Nẵng, thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan mỗi năm. Dưới đây là một số thông tin tổng quan về chùa Linh Ứng Bãi Bụt:

Vị trí tọa lạc

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt tọa lạc trên bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng), nằm cách trung tâm Thành phố Đà Nẵng khoảng 10km về hướng Đông Bắc và cách sân bay Đà Nẵng khoảng 13km.

Khoảng cách từ trung tâm thành phố Đà Nẵng đến chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Khoảng cách từ trung tâm Thành phố Đà Nẵng đến chùa Linh Ứng Bãi Bụt khoảng 10km
Khoảng cách từ Sân bay Đà Nẵng đến chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Khoảng cách từ sân bay Đà Nẵng đến chùa Linh Ứng Bãi Bụt khoảng 13km

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt nằm ở độ cao 693m so với mực nước biển. Đây là độ cao lý tưởng có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Đà Nẵng tráng lệ hiện lên phía bên kia bờ biển Mỹ Khê. Với địa thế “tựa sơn hướng thủy” (lưng tựa núi, mặt hướng biển) khác biệt hoàn toàn với hai ngôi chùa Linh Ứng còn lại, chùa Linh Ứng Bãi Bụt được mệnh danh là nơi hội tụ toàn bộ linh khí đất trời.

Thành phố Đà Nẵng nhìn từ chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Từ chùa Linh Ứng Bãi Bụt có thể nhìn thấy Thành phố Đà Nẵng phía bên kia bờ biển Mỹ Khê (Nguồn: Internet)
Cung đường uốn lượn xung quanh khuôn viên chùa
Cung đường trải nhựa bao biển uốn lượn xung quanh khuôn viên chùa và sườn núi (Nguồn: Internet)
Khung cảnh trên cung đường Hoàng Sa
Khung cảnh hữu tình trên cung đường Hoàng Sa dẫn lối đến bán đảo Sơn Trà (Nguồn: Internet)

Diện tích

Khuôn viên chùa Linh Ứng Bãi Bụt có diện tích là 20 hecta, được chia thành 3 khu vực chính là: khu trung tâm, 2 khu cảnh quan bên trái và bên phải. Trong mỗi khu vực sẽ bao gồm nhiều hạng mục khác nhau như:

  • Khu trung tâm: Gian thờ chánh điện, hậu tổ, nhà tăng, trai đường, nhà chúng, khu vệ sinh, thư viện, vườn Lộc Uyển.
  • Khu cảnh quan bên phải: Tượng Quan Âm Phật Đài, Bồ Đề Đạo Tràng, nhà khách, vườn Lâm Tỳ Ni, giảng đường.
  • Khu cảnh quan bên trái: Tháp Xá Lợi, tượng Phật nằm, bãi đậu xe.
Toàn bộ khuôn viên chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Toàn cảnh khuôn viên rộng lớn gồm nhiều hạng mục của chùa Linh Ứng Bãi Bụt (Nguồn: Internet)

Lịch sử hình thành

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt được khởi công xây dựng từ ngày 04/08/2004 (âm lịch ngày 19/06 năm Giáp Thân). Công trình được cố Thượng tọa Thích Thiện Nguyện cùng chúng phật tử gần xa đồng lòng góp công trong vòng 6 năm và được các cơ quan ban ngành, lãnh đạo thành phố cấp đất xây dựng. Đến ngày 30/07/2010 (âm lịch ngày 19/06 năm Canh Dần), chùa chính thức khánh thành và trở thành ngôi chùa lớn nhất Thành phố Đà Nẵng.

Lễ khánh thành chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Chùa Linh Ứng Bãi Bụt chính thức khánh thành vào ngày 30/07/2010  (Nguồn: Internet)

Kiến trúc chủ đạo

Kiến trúc của Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến trúc chùa chiền truyền thống thời Nguyễn và kiến trúc hiện đại. Nhìn từ xa, ngôi chùa nổi bật với lớp mái ngói âm dương (ngói lưu ly) màu xanh, triền mái thẳng và cong vút ở 2 đầu tạo sự thanh thoát. Hệ thống mái được xây dựng theo phương pháp “trùng thiềm” (mái chồng), ở giữa tạo thành các ô hộc trống để chèn thêm đồ án non nước, rồng phụng hoặc câu đối. Đây cũng là cách trang trí đặc trưng của cung đình nhà Nguyễn. Đồng thời, phía trên mái còn đặt nhiều tượng đá có hình thái tiêu biểu trong văn hóa Việt như: Lưỡng long triều nhật (hai con rồng chầu mặt trời), rồng đội bánh xe chuyển luân – biểu tượng của Phật giáo…

Mái ngói âm dương trong lối kiến trúc của chùa
Mái ngói âm dương (mái lưu ly) triền thẳng và cong vút 2 đầu theo kiến trúc truyền thống của chùa Linh Ứng Bãi Bụt (Nguồn: Internet)
Chi tiết rồng đội bánh xe chuyển luân của chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Chi tiết rồng đội bánh xe chuyển luân trang trí trên đỉnh mái (Nguồn: Internet)

Nâng đỡ toàn bộ mái ngói là hệ thống rường cột có mối nối kẻ hiên, kẻ ngồi truyền thống. Trên các thanh nối là hình rồng được chạm khắc tinh tế, sống động quấn quanh các cột trụ chính nâng đỡ diềm mái, nằm uốn lượn trên những bậc thang dẫn lối vào chùa, uyển chuyển trong từng chi tiết nơi chậu đá trồng cây. Tất cả đều khắc họa rõ nét tinh hoa kiến trúc vượt thời gian của dân tộc Việt, tạo nên một vẻ sâm nghiêm, cổ kính cho ngôi chùa.

Cột rường chạm khắc hình rồng
Hàng cột rường ở ngoài khu chánh điện được chạm khắc hình rồng tinh tế (Nguồn: Internet)
Hình rồng uốn lượn quanh bậc thang chùa
Hình rồng bề thế, tinh xảo đến từng chi tiết uốn lượn quanh những bậc thang (Nguồn: Internet)

Yếu tố hiện đại trong kiến trúc của chùa Linh Ứng Bãi Bụt được thể hiện qua việc tối giản các chi tiết chạm khắc phức tạp và hạn chế sử dụng các mảng màu đa sắc trong lối kiến trúc Việt cổ. Điều này mang đến cho ngôi chùa vẻ ngoài tinh tế và bình dị. Đồng thời, chùa còn cho xây dựng hệ thống cổng, trụ cột to lớn và chắc chắn hơn để gia tăng khả năng chống chịu trước tác động của thời tiết.

Kiến trúc truyền thống của chùa
Chùa Linh Ứng Bãi Bụt có lối thiết kế hiện đại, giảm bớt các mảng màu đa sắc trong kiến trúc truyền thống tạo vẻ bình dị cho ngôi chùa (Nguồn: Internet)

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt được kiến tạo trên một mảnh đất hình con rùa – thế đất Huyền Vũ tốt lành trong phong thủy, mang ý nghĩa vững chãi, trường thọ. Không gian trong chùa được bài trí thêm nhiều mảng xanh, cây trồng tạo dáng bonsai mỹ lệ, đem đến không khí trong lành, thoải mái.

Khuôn viên rộng lớn của chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Khuôn viên rộng lớn chứa nhiều mảng xanh của chùa Linh Ứng Bãi Bụt (Nguồn: Internet)

Công trình biểu tượng của chùa Linh Ứng Bãi Bụt

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt sở hữu một khuôn viên rộng lớn với nhiều công trình biểu tượng độc đáo, là những kỳ quan mà du khách ghé đến nơi đây không thể bỏ lỡ như:

Cổng Tam Quan chùa Linh Ứng Bãi Bụt

Cổng Tam Quan là cánh cổng dẫn lối vào khuôn viên chùa Linh Ứng Bãi Bụt. Cổng được thiết kế theo lối kiến trúc Việt cổ, được thể hiện ở phần mái ngói lưu ly cong vút hai đầu và những bức tượng rồng phượng chầu trời trên đỉnh mái. Song song với đó là các ô hộc được trang trí bằng phù điêu tinh xảo. Đặc biệt, cổng Tam Quan chùa Linh Ứng Bãi Bụt còn nổi bật với những dòng câu đối Hán tự được khảm sành sứ độc đáo – một nét nghệ thuật đặc trưng của người Việt Nam dưới thời Nguyễn.

Kiến trúc cổng Tam Quan của chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Kiến trúc cổng Tam Quan của chùa Linh Ứng Bãi Bụt vẫn còn giữ được nhiều nét truyền thống (Nguồn: Internet)
Chi tiết chạm xảo của cổng Tam Quan
Những chi tiết chạm nổi tinh xảo và hàng chữ được khảm sành sứ độc đáo của cổng Tam Quan (Nguồn: Internet)

Thiết kế thân cổng liền khối chắc chắn của Cổng Tam Quan chùa Linh Ứng Bãi Bụt tạo thế đứng vững chãi với 2 tầng lầu và 6 ô cửa độc đáo. Bên trong lầu gác trung tâm là bức tượng uy nghiêm của Vi Đà hộ pháp – vị thánh gánh vác trọng trách bảo vệ tháp xá lợi của Phật Tổ.

Nhờ vẻ oai nghiêm và tráng lệ, công trình cổng Tam Quan ngày nay trở thành điểm check-in biểu tượng, xuất hiện trong nhiều khung hình của du khách, Phật tử khi đến viếng thăm chùa Linh Ứng Bãi Bụt.

Cổng Tam Quan là địa điểm check-in nổi tiếng tại chùa
Cổng Tam Quan là địa điểm check-in nổi tiếng tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt

18 vị La Hán chùa Linh Ứng Bãi Bụt

Trước khi tiến vào khu chánh điện của chùa Linh Ứng Bãi Bụt, du khách sẽ đi qua khoảng sân vườn rộng lớn chứa 18 pho tượng La Hán làm từ đá trắng nguyên khối xếp dọc hai bên đường. Trong Phật học, Thập bát La Hán (18 vị La Hán) là những đệ tử đã tu đến cảnh giới Vô Cực Giả (thoát khỏi Niết Bàn), ở lại trần gian để xiển dương Phật pháp, giúp đỡ chúng sinh tiêu trừ những cảm xúc nhiễu loạn tu hành. Vì vậy, các bức tượng La Hán ở chùa Linh Ứng Bãi Bụt được đặc tả chi tiết từng biểu cảm, tượng trưng cho đủ loại cảm xúc ở con người như: hỉ, nộ, ái, ố, tham, sân, si, hận…

18 bức tượng La Hán
18 bức tượng La Hán đa dạng tư thế, biểu cảm tại khu chánh điện (Nguồn: Internet)
Khung cảnh tại sân tượng La Hán
Khung cảnh ấn tượng như đang lơ lửng giữa trời của của một góc sân tượng La Hán (Nguồn: Internet)

Tượng Quan Thế Âm Bồ tát cao nhất Việt Nam

Tượng Quan Thế Âm Bồ tát tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt có độ cao lên tới 67m, đường kính lòng tượng là 17m và đường kính đài sen là 35m. Công trình này đã được UNESCO công nhận là pho tượng Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

Sử dụng chất liệu đá trắng nguyên khối kết hợp với từng chi tiết điêu khắc tỉ mỉ, tượng Quan Thế Âm Bồ tát tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt là công trình biểu tượng nổi bật nhất trên bán đảo Sơn Trà.

Bên trong bức tượng Quan Thế Âm có tới 17 tầng, mỗi tầng đều có các ban bệ thờ riêng với tổng cộng 21 vị Phật có tư thế, chân diện khác nhau. Dưới đài sen là ban thờ chính thờ Ta Bà Tam Thánh, bao gồm 3 pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, Địa Tạng Vương Bồ tát và Quan Thế Âm Bồ tát đúc bằng đồng nguyên khối. Trên mão của tượng Bồ tát còn có một bức phù điêu Phật Tổ cao 2m. Do đó, công trình tượng Quan Thế Âm tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt còn được mệnh danh là “Phật trung hữu Phật” (trong Phật có Phật) thu hút hàng ngàn lượt du khách đến vãng cảnh, chiêm bái mỗi năm.

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tại chùa
Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát oai nghiêm, bệ vệ khi nhìn từ bên ngoài (Nguồn: Internet)
Không gian thờ phụng của chùa
Không gian thờ phụng linh thiêng bên trong tượng Quan Thế Âm Bồ tát chùa Linh Ứng Bãi Bụt (Nguồn: Internet)
Chùa Linh Ứng Bãi Bụt và tượng Bồ Tát Quan Thế Âm dưới trăng tròn
Chùa Linh Ứng Bãi Bụt và tượng Bồ Tát Quan Thế Âm linh thiêng dưới ánh trăng tròn (Nguồn: Internet)

Tháp Xá Lợi chùa Linh Ứng Bãi Bụt 

Tháp Xá Lợi tọa lạc ở phía bên trái khu chánh điện, là công trình độc đáo bao gồm 9 tầng, đại diện cho 9 bậc tu hành trong Phật giáo. Khi đến dưới chân tháp, du khách sẽ chiêm bái bức tượng tái hiện cảnh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn. Ngài nằm nghiêng, thanh tịnh và viên tịch trong sự thành kính của 10 vị tôn giả vây quanh.

Phía sau Đức Phật là cổng vào tháp Xá Lợi làm từ đá tự nhiên nguyên khối. Thân cổng được chạm nổi những chi tiết mây, sóng, nước một cách tinh tế, thể hiện trọn vẹn giá trị tinh hoa trong nghệ thuật điêu khắc đá của nghệ nhân Việt thời xưa.

Tháp Xá Lợi tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Công trình tượng Phật nằm và cổng tháp Xá Lợi được tạc hoàn toàn từ đá tự nhiên nguyên khối (Nguồn: Internet)
10 vị tôn giả đại đệ tử của Phật Thích Ca
Khung cảnh 10 vị tôn giả đại đệ tử của Phật Thích Ca hầu Ngài nhập Niết Bàn (Nguồn: Internet)

Khi bước qua cổng tháp, du khách, Phật tử sẽ được chiêm ngưỡng cận cảnh công trình tháp Xá Lợi nguy nga. Nhìn từ bên ngoài, tòa tháp nổi bật với 9 tầng mái ngói lục giác – kiến trúc tháp cổ đặc trưng trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, đồng thời cũng đại diện cho triết lý “lục căn, lục trần, lục thức” trong Phật học. Bên trong mỗi tầng của tháp có bố trí ban thờ nhiều vị Phật khác nhau.

Kiến trúc của tháp Xá Lợi
Kiến trúc vừa truyền thống vừa hiện đại của tháp Xá Lợi ở chùa Linh Ứng Bãi Bụt (Nguồn: Internet)
Sân hướng ra biển từ tháp Xá Lợi
Trước tháp Xá Lợi là một khoảng sân hướng biển, có nhiều cây xanh tạo bóng mát (Nguồn: Internet)

Câu chuyện linh thiêng tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt

Xoay quanh chùa Linh Ứng Bãi Bụt, có rất nhiều câu chuyện linh thiêng, kỳ bí được người dân truyền tai nhau về sự mầu nhiệm của các vị Phật, Bồ tát đang được thờ cúng tại chùa, cụ thể:

Sự tích chùa Linh Ứng Bãi Bụt

Theo truyền thuyết kể lại rằng, vào thời vua Minh Mạng (thế kỷ XIX), có một bức tượng phật không biết từ đâu dạt vào bờ biển bán đảo Sơn Trà. Người dân làng chài cho rằng đó là điềm may nên đã tự lập một am thờ tự. Kỳ lạ thay, kể từ ngày đó, cả vùng biển đảo trở nên bình yên, cư dân địa phương sống bình an và ổn định trong một khoảng thời gian dài. Từ sự nhiệm mầu đó, bãi cát mà tượng Phật dạt vào được người dân gọi là Bãi Bụt, ngụ ý là “cõi Phật giữa trần gian”.

Sau này, cố Thượng tọa Thích Thiện Nguyện chọn mảnh đất này để khai hoang, lập nên chùa Linh Ứng Bãi Bụt như hiện nay. Người dân địa phương vẫn giữ nguyên phong tục cũ, cứ đến mùng 1, 15 hàng tháng hoặc những ngày sắp ra khơi, họ lại về chùa để cầu xin trước tượng Quan Thế Âm Bồ tát phù hộ cho chuyến đi bình an, suôn sẻ.

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Cái tên bãi Bụt được người dân ưu ái đặt cho với ngụ ý là “cõi Phật giữa thế gian” (Nguồn: Internet)

13 lần tượng Phật tỏa hào quang

Theo lời kể của các vị chư tăng trong chùa Linh Ứng Bãi Bụt và cư dân địa phương, đã có tới 13 lần họ được chứng kiến khung cảnh tượng Bồ tát Quan Thế Âm tỏa ánh hào quang. Cụ thể, theo các vị Phật tử thường đến lễ chùa, vào tháng 8/2008, khi tháo bỏ giàn giáo xung quanh tượng để kiểm tra lần cuối thì bất ngờ có một vầng hào quang xuất hiện ngay trên đầu bức tượng, kéo dài suốt 1 tiếng đồng hồ khiến ai cũng ngỡ ngàng, thảng thốt.

Sau đó, vầng hào quang cũng tiếp tục xuất hiện trong nhiều sự kiện trọng đại khác như: Lễ Phật Đản năm 2009 (xuất hiện trên tượng Thích Ca Mâu Ni và tượng Quan Thế Âm), lễ vía Quan Âm, lễ Vu Lan… Đặc biệt là sự kiện huyền diệu vào lúc 17:30 ngày 25/08/2013, một cầu vồng kép 5 màu rực rỡ xuất hiện sau cơn mưa rào nối liền chùa Linh Ứng Bãi Bụt với chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn.

Tổng cộng số lần xuất hiện của hào quang tính đến hiện tại là 13 lần. Sự kiện linh thiêng này được người dân truyền miệng mạnh mẽ, họ cho rằng đây là biểu hiện của việc Đức Phật giáng trần xuống nhân gian, chứng giám cho lòng thành tâm của cư dân nơi đây. Chiêm ngưỡng ngay đoạn video ghi lại khoảnh khắc kỳ diệu đó tại đây:

Quan Âm cứu khổ cứu nạn

Theo Phật học, Quan Thế Âm Bồ tát tượng trưng cho sự lắng nghe và lòng từ bi. Hạnh nguyện tu đạo của Ngài là nghe được hết thảy thanh âm trên thế gian, cứu khổ cứu nạn chúng sanh.

Do đó, người dân vùng biển Đà Nẵng luôn rất kính ngưỡng Đức Quan Thế Âm. Trùng hợp thay, từ ngày xây dựng xong bức tượng Quan Thế Âm Bồ tát khổng lồ, dường như mọi việc từ lớn đến nhỏ của Đà Nẵng đều diễn ra thuận lợi, có thể kể đến như: sự kiện dời làng Phong từ Hải Vân về đất liền, xây dựng cầu Rồng bắc qua sông Hàn, khởi công xây dựng bệnh viện điều trị ung thư hiện đại cứu vớt nhiều người bị bệnh nan y…

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Người dân địa phương luôn tin rằng Quan Thế Âm Bồ tát bảo vệ vùng biển đảo, con người và cuộc sống nơi đây (Nguồn: Internet)

Người dân nơi đây còn truyền tai nhau về sự linh ứng của Quan Thế Âm Bồ tát đã bảo vệ Đà Nẵng nhiều lần khỏi giông bão. Họ cho rằng chính Đức Quan Thế Âm đã khiến cho những cơn bão hung ác được dự đoán sẽ đổ bộ vào thành phố bỗng nhiên đổi hướng, bảo vệ bình an cho cư dân nơi đây, có thể kể đến như: bão Sơn Tinh (tháng 10/2012), bão số 12 (tháng 11/2020)…

Cũng nhờ nhiều lần trùng hợp ngẫu nhiên đó mà người dân địa phương ngày càng tin vào thần thông của Đức Quan Thế Âm. Họ thường liên tưởng ngay đến Ngài khi có những sự kiện lớn diễn ra thuận lợi.

Tượng Bồ Tát Quan Thế Âm khổng lồ
Tượng Bồ Tát Quan Thế Âm khổng lồ cũng dần trở thành điểm tựa tâm linh cho người dân xứ Đà thành (Nguồn: Internet)

Điểm đến cầu học vấn, công danh sự nghiệp

Người Đà Nẵng có một câu nói rằng: “Cầu bình an thì đến chùa Linh Ứng Bà Nà, cầu duyên thì đến chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn, cầu công danh thì đến chùa Linh Ứng Bãi Bụt”. Do đó, hằng năm có rất nhiều sĩ tử Đà Nẵng đổ về chùa Linh Ứng Bãi Bụt để cầu may về đường học vấn.

Dần dần, chùa Linh Ứng Bãi Bụt vang danh gần xa về sự linh thiêng, mỗi năm cũng có hàng ngàn du khách thập phương nghe tiếng mà đến viếng thăm ngôi chùa để mong cầu công danh, sự nghiệp, sức khỏe… đặc biệt là vào những dịp lễ lớn. Chẳng hạn, theo báo cáo của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển lân cận, chỉ tính riêng lượng khách đổ về chùa Linh Ứng Bãi Bụt vào dịp Tết Nguyên Đán hằng năm đã lên tới con số 15.000 người/ngày. Điều này cho thấy sự linh thiêng của chùa Linh Ứng Bãi Bụt rất nhiệm mầu và được nhiều người tin tưởng, tương xứng với hai câu thơ “tức cảnh sinh tình” của cố Thượng tọa Thích Thiện Nguyện:

“Linh Ứng sở cầu như ý nguyện

Sơn Trà Bãi Bụt thật hiển linh.”

Du khách đến thăm chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Du khách thập phương đổ về chùa Linh Ứng Bãi Bụt để chiêm bái, cầu công danh sự nghiệp hằng năm (Nguồn: Internet)
Du khách tới thăm chùa Linh Ứng Bãi Bụt để cầu may
Người dân thường đến chùa Linh Ứng Bãi Bụt để cầu may về đường học vấn,  tư duy cho bản thân và con cái (Nguồn: Internet)

Hoạt động nổi bật tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt thu hút du khách, Phật tử thập phương ghé thăm vì thường xuyên tổ chức nhiều sự kiện và hoạt động đặc sắc, mang đến trải nghiệm độc đáo về tâm linh và văn hóa.

Chiêm bái tượng Phật

Xung quanh khuôn viên chùa Linh Ứng Bãi Bụt có rất nhiều tượng Phật, tượng La hán, tượng Hộ pháp… Quý Phật tử, du khách có thể dạo quanh khuôn viên để chiêm bái và thưởng thức những nét chạm khắc tinh xảo do các nghệ nhân thủ công lành nghề tạo tác trên từng pho tượng.

Đặc biệt, bạn nhất định không nên bỏ qua các công trình tượng Phật tiêu biểu tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt. Đầu tiên, bạn nên tiến vào khu chánh điện để viếng bái tượng Ta Bà Tam Thánh (Phật Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ tát, Địa Tạng Vương Bồ tát) và tượng Quan Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn được đúc từ đồng nguyên khối. Đồng thời, bạn sẽ thấy một bức tượng Phật Di Lặc lớn được điêu khắc trực tiếp từ chất liệu gỗ quý, đặt ngay trước ban thờ chính.

Sơ đồ tham quan chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Sơ đồ tham quan được khắc trên đá và đặt trước cổng chùa (Nguồn: Internet)
Tượng Phật bằng đồng ở khu chánh điện
Tượng Phật đúc bằng đồng nguyên khối ở khu chánh điện (Nguồn: Internet)
Tượng Phật Di Lặc ở khu chánh điện
Tượng Phật Di Lặc điêu khắc từ gỗ quý ở khu chánh điện (Nguồn: Internet)

Sau đó, bạn có thể đến chiêm bái tượng Quan Thế Âm Bồ tát khổng lồ và tượng Phật Di Lặc được làm từ đá trắng nguyên khối tọa lạc ở phía bên phải khu chánh điện. Du khách có thể di chuyển vào trong đài sen dưới chân tượng để đảnh lễ các vị Phật được thờ tại nơi đây.

Tượng làm bằng đá trắng nguyên khối ở chùa Linh Ứng Linh Bụt
Tượng Quan Thế Âm Bồ tát và tượng Di Lặc làm bằng đá trắng nguyên khối đặt ngoài trời (Nguồn: Internet)

Tiếp tục, du khách có thể di chuyển ra đằng sau công trình tượng Quan Thế Âm để chiêm ngưỡng bức tượng Phật Thích Ca giác ngộ ngay dưới tán cây bồ đề. Tượng được tạc bằng đá tự nhiên và đặt tại Bồ Đề Đạo Tràng nằm bên phải gian nhà khách.

Nếu đi tiếp về phía bên trái khu chánh điện, du khách sẽ tiến vào không gian của vườn Lộc Uyển (Sarnath) – nơi tái hiện khung cảnh lần đầu Đức Phật Thích Ca giáo pháp kinh chuyển luân cho sa môn Kiều Trần Như và 4 vị sa môn khác.

Tượng Phật Thích Ca tại vườn Lộc Uyển
Tượng Phật Thích Ca lần đầu giảng kinh tại vườn Lộc Uyển

Rời khỏi vườn Lộc Uyển, du khách tiếp tục di chuyển theo hướng tháp Xá Lợi. Dưới chân tháp là tượng Phật Thích Ca đang nằm nhập Niết Bàn, xung quanh là 10 bức tượng đại diện cho 10 vị đệ tử đầu tiên của Ngài, mang đến vẻ sâm nghiêm, thành kính và mầu nhiệm. Tiến vào trong tháp Xá Lợi, bạn sẽ được chiêm bái các bức tượng của bộ 3 Hoa Nghiêm Tam Thánh (Phật Thích Ca, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát) được làm từ gỗ đen quý hiếm.

Tượng Phật Thích Ca ở tháp Xá Lợi
Tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn thanh tịnh dưới chân tháp Xá Lợi (Nguồn: Internet)
Bộ 3 tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh
Bộ 3 tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh làm từ gỗ đen quý hiếm bên trong tháp Xá Lợi

Chụp ảnh check-in

Không gian cảnh quan tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt rất độc đáo, gồm nhiều khu vực bài trí khác nhau nên du khách có thể check-in được nhiều bức hình tuyệt đẹp ngay tại đây. Đặc biệt, bạn không thể bỏ lỡ khoảnh khắc sống ảo đỉnh cao với công trình cổng Tam Quan oai vệ của chùa.

Ngay phía sau cánh cổng, du khách sẽ tiến vào sân vườn khu chánh điện, nổi bật với 18 bức tượng La Hán đa dạng biểu cảm được đặt xen kẽ giữa các chậu bonsai sống động. Đây cũng là nơi check-in được nhiều du khách quan tâm mỗi khi đến với Linh Ứng tự Sơn Trà. Đặc biệt, bạn cũng đừng bỏ lỡ cơ hội chụp hình cùng tượng Bồ tát Quan Thế Âm cao nhất Đông Nam Á. Đây là một trong những nơi được du khách check-in nhiều nhất bên cạnh công trình cổng Tam Quan hùng vĩ.

Du khách check in tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Du khách có thể check-in tại nhiều góc đẹp trong chùa Linh Ứng Bãi Bụt

Nếu có đủ thời gian, bạn có thể ghé thăm công trình vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) nằm phía trước giảng đường. Đây là khu vườn mô phỏng lại thánh tích thượng uyển đẹp nhất kinh thành Ca Tỳ La Vệ, nổi bật với hồ nước tự nhiên, các bức tượng muôn thú và nhiều loại thực vật. Du khách đến với nơi đây không chỉ được check-in vẻ đẹp của vườn mà còn được chiêm ngưỡng khung cảnh Đức Phật ra đời, bước 7 bước nở 7 đóa sen của Ngài. Cạnh đó là bức tượng hoàng hậu Maya – mẹ ruột của Ngài và chúng tỳ nữ cúi đầu hầu chủ, tạo nên một bức tranh thiêng liêng và đáng kính.

Vườn Lâm Tỳ Ni tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Các bức tượng mô tả khung cảnh Đức Phật ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni

Dọc theo các con đường trong khuôn viên chùa là những hàng cây xanh rợp bóng, hoa giấy, hoa sứ nở rộ, các tiểu cảnh như cổng tre, con đường lồng đèn… hứa hẹn cũng sẽ mang đến những khung hình ấn tượng cho du khách.

Du khách check in tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Trong khuôn viên chùa có bố trí nhiều tiểu cảnh độc đáo để du khách check-in
Du khách check in bồn hoa giấy tại chùa
Du khách có thể check-in bên cạnh những bồn hoa giấy bài trí khắp chùa (Nguồn: Internet)

Dâng lễ cầu may

Dâng lễ cầu may là một trong những hoạt động chính của du khách khi đến viếng chùa Linh Ứng Bãi Bụt, đặc biệt là vào những dịp lễ lớn hoặc những thời khắc trọng đại trong đời. Vậy, đi chùa Linh Ứng cầu gì? Theo nhiều người dân Đà Nẵng kể lại, chùa Linh Ứng Bãi Bụt là nơi cầu công danh, sự nghiệp rất linh thiêng. Do đó, hằng năm thường có nhiều người từ khắp nơi đổ về nơi đây để dâng lễ cầu may mắn, thăng tiến, tài lộc.

Khi dâng lễ, du khách nên chuẩn bị lễ chay vì đây là lễ dâng cúng Phật. Bạn có thể tham khảo một số vật phẩm làm lễ chay như: trái cây, hoa tươi, nhang, đèn… và xếp lễ thành hình tháp. Nếu muốn cầu công danh sự nghiệp, bạn nên dâng lễ ở ban thờ Hoa Nghiêm Tam Thánh. Theo Phật học, trong Hoa Nghiêm Tam Thánh có Văn Thù Sư Lợi Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát phù hộ chúng sanh khai mở tư duy, nâng cao định lực, từ đó giúp công việc của bạn suôn sẻ, dễ dàng hơn.

Dâng lễ chay tại chùa Linh ứng Bãi Bụt
Nếu muốn dâng lễ, bạn nên chuẩn bị lễ chay và xếp thành hình tháp (Nguồn: Internet)

Nếu muốn cầu bình an, du khách có thể dâng lễ ở ban chánh điện hoặc trước tượng Quan Thế Âm Bồ tát, bởi ngài là đại diện cho sự từ bi, cứu khổ cứu nạn. Tuy nhiên, lễ Phật không phải là yếu tố quan trọng, thể theo giáo pháp của Phật giáo, chỉ cần chúng sanh thành tâm cầu nguyện thì chư Phật sẽ chứng giám.

Ngoài ra, theo một số quan niệm khác, người đời cho rằng việc phóng sanh sẽ tích được công đức dày rộng, giúp người thả gặp được nhiều may mắn, tai qua nạn khỏi, bình an khỏe mạnh.

Du khách thành tâm khấn vái
Lễ lộc là phần không quá quan trọng, bạn chỉ cần thành tâm khấn nguyện là đủ (Nguồn: Internet)

Tham dự lễ hội Phật giáo

Hằng năm có rất nhiều lễ hội Phật giáo lớn, có thể kể đến như: lễ vía Phật Di Lặc (1/1 âm lịch), lễ vía Quan Thế Âm Bồ tát (19/2 âm lịch), lễ Phật Đản (8/4 – 15/4 âm lịch), lễ Vu Lan Báo Hiếu (15/7 âm lịch)…

Vào các ngày lễ này, quý Phật tử, du khách ghé thăm chùa Linh Ứng Bãi Bụt sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động thiêng liêng như tụng kinh, nghe kinh, lạy Phật, dâng lễ cúng Phật, tắm Phật, dùng cỗ chay, xin lộc bình an, thả hoa đăng, phóng sanh…

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt tổ chức lễ hội Phật Giáo
Hằng năm, chùa Linh Ứng Bãi Bụt sẽ tổ chức rất nhiều lễ hội Phật giáo lớn (Nguồn: Internet)
Phật tử tham gia nghe giảng Pháp
Du khách, quý Phật tử đến chùa có thể tham gia nghe giảng kinh, thuyết pháp, lễ Phật… (Nguồn: Internet)

Tham gia khóa tu mùa hè

Vào ngày 28/07/2023, khóa tu “Hương sen mùa hạ” lần thứ nhất đã được tổ chức tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt, chủ trì bởi Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Sơn Trà. Khóa tu diễn ra trong 3 ngày 2 đêm (từ ngày 28/7 đến 30/7/2023), quy tụ lên đến 540 khóa sinh và nhiều vị Pháp tăng, lãnh đạo các ban ngành thành phố Đà Nẵng đến tham dự.

Trong khóa tu, các khóa sinh, tình nguyện viên được trải nghiệm nhiều hoạt động cải thiện tư duy, kiến thức như: tham gia buổi chia sẻ “Công tác phòng chống ma túy trong giai đoạn hiện nay” do Công an Thành phố Đà Nẵng triển khai, buổi chia sẻ về triết lý an thường tự tại trong giáo pháp nhà Phật của các vị Thượng tọa, tham gia lễ thắp nến “Thắp sáng niềm tin”, các hoạt động giao lưu, ca hát, ăn cơm cùng nhau…

Khóa tu “Hương sen mùa hạ” dự kiến sẽ diễn ra định kỳ hằng năm nhằm mang đến một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho giới trẻ Đà thành, tạo cơ hội để các bạn trẻ được tiếp xúc với giáo pháp Phật giáo, từ bỏ những cảm xúc tiêu cực, tích cực hướng thiện. Đồng thời, khóa tu cũng là nơi để các Ban ngành, cơ quan chức năng Thành phố Đà Nẵng tiếp xúc và đào tạo tư duy đúng đắn, biện pháp tự bảo vệ bản thân cho giới trẻ.

Khoá tu "Hương sen mùa hạ" tại chùa
Khóa tu “Hương sen mùa hạ” quy tụ lên đến 540 khóa sinh là học sinh, sinh viên (Nguồn: Internet)
Tham gia hoạt động tại khoá tu
Khóa sinh đến với khóa tu sẽ được tham gia nhiều hoạt động gắn kết, giao lưu lành mạnh, bổ ích (Nguồn: Internet)
Phật tử nghe thuyết pháp Phật giáo
Khóa sinh được nghe thuyết pháp Phật giáo, tham gia lễ thắp nến ý nghĩa (Nguồn: Internet)

5 câu hỏi thường gặp khi đến thăm chùa Linh Ứng Bãi Bụt

Khi đặt chân đến thăm chùa Linh Ứng Bãi Bụt, du khách nên tìm hiểu trước một số thông tin sau đây:

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt mở cửa đến mấy giờ?

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt sẽ mở cửa từ 6:00 đến 21:00 mỗi ngày.

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt có mở bán vé không?

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt không bán vé, du khách được vào tham quan và gửi xe miễn phí. Tuy nhiên, du khách và quý Phật tử có thể trả phí gửi xe tùy tâm nếu muốn.

Đi chùa Linh Ứng Bãi Bụt vào thời điểm nào thì đẹp? 

Du khách có thể đến chùa Linh Ứng Bãi Bụt vào bất cứ thời điểm nào trong năm nhưng nên tránh những ngày có bão. Cụ thể, mùa khô ở Đà Nẵng sẽ bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 7, thời tiết hanh khô nhưng quang đãng, thích hợp đến lễ chùa. Mùa mưa sẽ bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12, xuất hiện mưa nhiều nhưng du khách có thể tranh thủ đi sớm để viếng chùa. Tuy nhiên, bạn nhớ xem dự báo thời tiết trước khi đi để tránh những ngày biển động, giông bão.

Bên cạnh đó, du khách nên đến tham quan chùa vào các khung giờ 7:00 – 9:00 và 15:00 – 18:00. Tiết trời trong các khung giờ này khá mát mẻ, nắng nhẹ dịu, du khách có thể thoải mái thưởng ngoạn và check-in cảnh chùa. Sau 18:00, người viếng chùa sẽ thưa dần và chùa sẽ bắt đầu thắp đèn. Nếu bạn muốn chiêm ngưỡng cảnh chùa lung linh về đêm thì có thể ghé thăm vào thời gian này.

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt
Du khách có thể tham quan chùa Linh Ứng Bãi Bụt bất cứ thời điểm nào trong năm, trừ những ngày giông bão (Nguồn: Internet)

Cần lưu ý gì khi viếng thăm chùa Linh Ứng Bãi Bụt?

Khi đến viếng thăm chùa Linh Ứng Bãi Bụt, du khách cần chú ý một số vấn đề sau đây:

  • Chọn trang phục lịch sự, kín đáo: Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là nơi linh thiêng thờ phụng nhiều vị Phật, Bồ tát oai nghiêm. Do đó, bạn nên chọn trang phục áo tay dài hoặc tay lửng, quần dài hoặc váy dài che kín chân để đến lễ Phật. Ngoài ra, chùa có chuẩn bị xà rông cho du khách lỡ mặc váy ngắn hoặc quần đùi để đảm bảo buổi lễ Phật được diễn ra trang nghiêm, thanh tịnh.
  • Nói năng nho nhã, nhẹ nhàng: Để giữ cho không gian trong chùa được thanh tịnh, bạn không nên ăn nói lớn tiếng, hô hào hoặc chạy nhảy trong chùa, tránh làm ảnh hưởng tới nơi thờ phụng và những du khách khác.
  • Có ý thức giữ gìn vệ sinh chung: Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là nơi công cộng, bạn cần chú ý giữ gìn cảnh quan chung, bỏ rác đúng nơi quy định để bảo tồn khung cảnh trang nghiêm nơi cửa Phật.
  • Tôn trọng tượng Phật: Các bức tượng Phật tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt đều được làm từ đá, gỗ, đồng hoặc ngọc nguyên khối. Do đó, nếu có hư hại thì sẽ rất khó trùng tu, sửa chữa. Bạn không nên làm bẩn, làm vỡ tượng Phật, cần tôn trọng những tài sản thuộc sở hữu của chùa.
  • Không lại gần đàn khỉ rừng: Bán đảo Sơn Trà là nơi bảo tồn nhiều giống khỉ ở Đà Nẵng nên bạn sẽ thường bắt gặp chúng ở khắp nơi trong chùa. Vì là khỉ rừng hoang dã nên chúng rất dữ, bạn nên chú ý không lại gần chúng để tránh bị thương, bị giật mất tài sản.
Xà rông dành do du khách đến thăm chùa
Chùa Linh Ứng Bãi Bụt có phát xà rông cho du khách lỡ mặc váy, quần ngắn để đảm bảo không gian trang nghiêm, thanh tịnh (Nguồn: Internet)

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt có chỗ phóng sanh không? 

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt có 2 hồ nước tự nhiên nằm ở vườn Lâm Tỳ Ni và vườn Lộc Uyển. Du khách có thể thả cá phóng sanh ở đó hoặc di chuyển xuống bờ biển Mỹ Khê tùy theo loại cá mà bạn có. Nếu bạn muốn phóng sanh các loài chim thì có thể thả ở bất kỳ nơi nào trong chùa. Tuy nhiên, nếu thả các loài động vật hoang dã thì bạn nên liên hệ với trụ trì chùa hoặc Ban quản lý bán đảo Sơn Trà để được hỗ trợ.

Hồ trong vườn Lâm Tỳ Ni
Hồ nước tự nhiên trong khuôn viên vườn Lâm Tỳ Ni (Nguồn: Internet)
Hồ trong vườn Lộc Uyển
Hồ nước tự nhiên trong khuôn viên vườn Lộc Uyển (Nguồn: Internet)

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt không chỉ là điểm đến du lịch tâm linh mà còn là hành trình viễn du về miền đất Phật, nơi những tâm hồn lạc lối được chữa lành và trở nên thanh tịnh. Từ tượng Phật linh thiêng cho đến những câu chuyện huyền bí, chùa là nguồn cảm hứng vô tận cho du khách thập phương chiêm nghiệm những giá trị tinh thần, học tập lòng biết ơn và sự tôn trọng bảo tồn những di sản nhân loại, khơi gợi lòng trắc ẩn và tìm ra ý nghĩa sống đúng đắn trên cuộc đời.

Sau khi kết thúc chuyến thăm chùa Linh Ứng Bãi Bụt, nếu bạn có nhã ý muốn vãng cảnh 1 trong 3 Tam Linh Ứng tự khác là chùa Linh Ứng Bà Nà – cõi Phật giữa mây ngàn, hãy liên hệ với Sun World thông qua các kênh chính thống sau đây để cập nhật giá vé cáp treo chi tiết nhé!

:
Bình luận

Email của bạn sẽ không hiển thị

Tin tức khác