Cầu Vàng xây dựng năm nào? Những câu chuyện thú vị sau cây cầu nổi danh thế giới

Cầu Vàng là một công trình biểu tượng độc đáo, nằm trong khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí Sun World Ba Na Hills trên đỉnh Bà Nà – Đà Nẵng. Ngay sau khi khánh thành, Cầu Vàng đã tạo ra “cú nổ” truyền thông khi xuất hiện trên hầu hết các nhật báo nổi tiếng như CNN, Times, The Independent, Reuters… Bên cạnh đó, Cầu Vàng còn được vinh danh là top 10 kỳ quan mới của thế giới theo bình chọn của thế hệ trẻ (Daily Mail), Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới bốn năm liên tiếp (World Travel Award 2020, 2021, 2022, 2023) cùng hàng loạt giải thưởng khác từ khi được đưa vào hoạt động đến nay. 

Hãy cùng khám phá chi tiết Cầu Vàng được xây dựng năm nào và những câu chuyện phía sau công trình vô tiền khoáng hậu này nhé! 

Cầu Vàng xây dựng năm nào?

Cầu Vàng chính thức được khởi công xây dựng từ tháng 07/2017 và hoàn thành vào tháng 04/2018. Trong đó, thời gian xây dựng hai bàn tay – điểm nhấn của công trình là 6 tháng, từ tháng 10/2017 đến tháng 04/2018.

Sự xuất hiện của Cầu Vàng đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy du lịch của Đà Nẵng:

  • Năm 2017, Sun World Ba Na Hills đón hơn 2,7 triệu lượt khách du lịch, chiếm ⅓ tổng lượng khách đến thành phố Đà Nẵng.
  • Năm 2018, sau khi Cầu Vàng được ra mắt, lượt khách ghé thăm Sun World Ba Na Hills đã lên đến gần 4 triệu, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2017.
  • Năm 2019, lượt khách đến Sun World Ba Na Hills tăng 22% (khoảng gần 5 triệu lượt khách) so với cùng kỳ năm 2018.
  • Năm 2023, trong 9 tháng đầu năm Đà Nẵng đón 5,8 triệu lượt khách lưu trú, tăng 134,8% so với cùng kỳ. Trong đó, du khách quốc tế ước tính đạt hơn 1,6 triệu lượt, tăng 269,6%, chiếm 20% tổng số khách du lịch.
  • Trong giai đoạn từ năm 2018 – 2019, 2/3 du khách khi đăng ký tour du lịch đều yêu cầu đến thăm Cầu Vàng. Chính vì vậy, Cầu Vàng đã ngay lập tức xuất hiện trong Top 10 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới năm 2018.

Sau 5 năm ra mắt, Cầu Vàng vẫn được xem là một biểu tượng, một điểm đến mà tất cả du khách đều muốn ghé thăm mỗi khi đi du lịch Đà Nẵng. Yan Ying – một du khách Hong Kong đã khẳng định rằng: “Tôi có 5 ngày ở Việt Nam và nhất định phải đến “Cầu bàn tay”.

Trong số khách quốc tế đến Đà Nẵng nói chung và Sun World Ba Na Hills nói riêng, lượng khách Hàn Quốc chiếm tỉ lệ áp đảo, lên đến 33%. Tờ Financial của Hàn Quốc cho biết, cứ 3 du khách đến Việt Nam thì sẽ có 1 du khách đến Sun World Ba Na Hills, địa điểm khách Hàn Quốc yêu thích và mong muốn ghé thăm nhiều nhất chính là Cầu Vàng.

Cầu Vàng Sun World Ba Na Hills
Cầu Vàng được nhiều người Đà Nẵng gọi là “cầu dương” vì được uốn cong trên núi Bà Nà thay vì bắc qua sông như các cây cầu thông thường (cầu âm)
Du khách đang dạo bước trên Cầu Vàng
Cầu Vàng được bao bọc bởi mây trời và thiên nhiên giúp du khách có cảm giác đang dạo bước trong tiên cảnh

Cùng ngắm nhìn “tuyệt tác” Cầu Vàng qua những thước phim được đăng tải trên kênh Youtube Sun World:

Cầu Vàng Ba Na Hills ai thiết kế? 

Cầu Vàng – Biểu tượng kiến trúc ra đời dưới bàn tay tài hoa và khối óc tuyệt vời của các kiến trúc sư (KTS) thuộc Công ty Tư vấn thiết kế TA Landscape Architecture với sự đầu tư của tập đoàn Sun Group.

Năm 2017, các KTS thuộc công ty TA Landscape Architecture bắt đầu “thai nghén” ý tưởng xây dựng cây cầu dựa trên yêu cầu của chủ đầu tư Sun Group. Tháng 06/2018, Cầu Vàng chính thức hoàn thành.

Cầu Vàng Ba Na Hills được thiết kế bởi hai KTS Vũ Việt Anh và Phạm Thị Ái Thủy – KTS đứng sau đường hoa Nguyễn Huệ, Festival Đà Lạt.

KTS Phạm Thị Ái Thủy: Tốt nghiệp KTS Quy hoạch Đô thị năm 2007, hiện đang là Phó Giám đốc công ty TA Landscape Architecture, Giảng viên và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc Cảnh quan thuộc Trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM. Các công trình nổi bật: Đường hoa Nguyễn Huệ – TP.HCM, Festival Hoa Đà Lạt, đường hoa Hùng Vương – TP Mỹ Tho, hội hoa xuân TP Vũng Tàu.

Kiến trúc sư Cầu Vàng
Chân dung Phó Giám đốc công ty TA Landscape Architecture – Bà Phạm Thị Ái Thủy 

KTS Vũ Việt Anh: Kiến trúc sư có học hàm tiến sĩ, Ủy viên BTV Hội kiến trúc sư TP.HCM, Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, giảng viên Bộ môn Kiến trúc cảnh quanh trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM, Giám đốc thiết kế TA Landscape Architecture, có 15 năm kinh nghiệm về kiến trúc cảnh quan.

Kiến trúc sư Cầu Vàng
Cầu Vàng Ba Na Hills ai thiết kế? Chân dung KTS Vũ Việt Anh – Kiến trúc sư trưởng của công trình Cầu Vàng

Với năng lực và bề dày kinh nghiệm của đội ngũ KTS, Sun Group đã tin tưởng giao trọng trách xây dựng một cây cầu có một không hai, đi xuyên núi nhưng không tác động đến cảnh quan.

Khi nhận về một bài toán khó, KTS Phạm Thị Ái Thủy cho biết thách thức đầu tiên của đội ngũ thiết kế là phải đảm bảo không tác động đến hệ thống cây xanh bên dưới vực, cũng như hạn chế tối đa tác động vào cảnh quan thiên nhiên và địa hình tự nhiên của khu vực. Điều này đòi hỏi các KTS tìm kiếm những nguyên vật liệu đủ độ bền và cứng để đảm bảo an toàn cho người tham quan, đồng thời có trọng lượng nhẹ, thuận tiện cho quá trình vận chuyển lên cao mà không ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên.

Cảnh quan Cầu Vàng
Khó khăn của đơn vị thi công là phải giữ trọn vẹn thiên nhiên trù phú bên dưới cây cầu

Theo chia sẻ của KTS Ái Thủy, ý tưởng Cầu Vàng được “thai nghén” ban đầu với mục đích tạo một con đường để du khách – đặc biệt là người lớn tuổi, trẻ em và người khuyết tật di chuyển một cách thuận tiện và an toàn khi tham quan vườn hoa Le Jardin D’Amour. Trong quá trình tình cờ đưa flycam lên kiểm tra độ cao, nhóm thiết kế đã vỡ òa trước tầm nhìn bao la của vị trí dự kiến khởi công. Vẻ đẹp tuyệt vời của cảnh vật cũng như địa hình đã giúp đội ngũ thiết kế nảy ra ý tưởng, nhanh chóng phác thảo đường cong của cây cầu nổi tiếng.

Nói về hai bàn tay nâng đỡ cho cây cầu, yếu tố khiến truyền thông thế giới tò mò về Cầu Vàng, KTS Ái Thủy cho biết đội ngũ thiết kế lấy ý tưởng dựa trên câu chuyện từ khu vườn Le Jardin D’Amour – nơi mà vị thần và con người cùng chung sống với nhau. Dưới góc nhìn nhỏ bé của con người, bàn tay, đôi mắt, đôi môi chính là những hình dung rõ nhất về những vị thần khổng lồ.

Trong đó, bàn tay là chi tiết hợp lý, có tác dụng nâng đỡ dải lụa. Bên cạnh đó, kiến trúc này còn ngụ ý “cây cầu không đi qua mặt nước mà nằm lơ lửng giữa những đám mây là nhờ sự nâng đỡ của đấng tự nhiên”.

Hai bàn tay biểu tượng của Cầu Vàng
Hai bàn tay được lấy cảm hứng từ sự che chở của các vị thần dành cho con người
Cảnh hoàng hôn ở Cầu Vàng
Cây cầu như một dải lụa vắt ngang đất trời, đưa con người lên chốn bồng lai 

Có thể thấy, hành trình tạo nên “cây cầu đi bộ ấn tượng nhất thế giới” vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, bằng nỗ lực mạnh mẽ, đội ngũ KTS đã biến những ý tưởng trên giấy trở thành một công trình mang ý nghĩa biểu tượng đối với du lịch Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.

​​Giới thiệu về đặc điểm Cầu Vàng

Cầu Vàng có tổng chiều dài là 150m, bao gồm 8 nhịp, 7 trụ và 2 mố. Chiều rộng của cầu là 5m, trong đó 3m dành cho lối đi và 2m chia đều hai bên là khu vực để trồng hoa.

Về chất liệu, Cầu Vàng được làm từ các nguyên vật liệu đáp ứng ba tiêu chí là thân thiện với ánh sáng mặt trời, khối tích nhẹ nhàng và kết cấu chắc chắn, an toàn. Cụ thể các nguyên vật liệu được lựa chọn như sau:

Bộ phận 

Nguyên vật liệu 

Móng mố trụ

Bê tông cốt thép

Trụ cầu

Thép ống

Chân nhện

Thép ống

Nhịp

Dầm thép chữ I

Vỏ cầu

Ốp thép tấm sơn nhũ vàng

Lan can

inox mạ titan vàng bóng

Mặt cầu

Gỗ kiền kiền tự nhiên

Việc lựa chọn nguyên vật liệu xây dựng Cầu Vàng cho thấy Sun Group và đơn vị thiết kế đã dành rất nhiều tâm huyết cho công trình biểu tượng này. Chất liệu inox mạ titan vàng bóng, ốp thép tấm sơn nhũ vàng phản xạ với ánh nắng mặt trời, tạo hiệu ứng phát sáng cho cây cầu giữa mây trời. Bê tông cốt thép, thép ống, dầm thép, gỗ kiền kiền tạo nên kết cấu chắc chắn, bền bỉ giúp cây cầu trụ vững trên nền núi, chịu được trọng lượng cao và sự biến đổi thời tiết 4 mùa trong một ngày.

Chất liệu Inox mạ titan của Cầu Vàng
Cầu Vàng được thiết kế với chất liệu inox mạ titan vàng bóng, tạo hiệu ứng phát sáng cho cây cầu

Ngoài Cầu Vàng, vật liệu xây dựng đôi bàn tay cũng được lựa chọn kỹ lưỡng. Theo đó, phần khung của bàn tay được cố định bằng lưới thép kết hợp với các sợi thủy tinh cao cấp. Sau đó, đội ngũ thi công tiến hành trang trí bằng cách sơn phủ rêu phong trên bề mặt. Những lớp rêu phong này tạo vẻ đẹp cổ kính và dấu ấn thời gian, hòa quyện với phong cảnh núi non hùng vĩ của đỉnh Bà Nà.

Nhìn từ trên cao, Cầu Vàng như một dải lụa được nâng đỡ bởi đôi bàn tay khổng lồ, nằm hiên ngang và uyển chuyển giữa núi rừng. Độ cao 1.400m so với mực nước biển cũng góp phần biến Cầu Vàng thành điểm giao của những áng mây và cánh rừng, tạo thành bức tranh hài hòa giữa thiên nhiên và sự sáng tạo của con người. Hơn thế nữa, đứng trên cầu, du khách sẽ cảm nhận rõ nét sự biến chuyển của thời tiết Bà Nà. Đó cũng chính là lý do Cầu Vàng được mệnh danh là cây cầu đưa con người đến chốn tiên cảnh nhân gian.

So với các công trình khác tại Việt Nam, Cầu Vàng mang đến một làn gió mới. Cây cầu giống như tác phẩm điêu khắc, nơi các KTS lắp ghép các vật liệu một cách tinh tế, khéo léo để cho ra đời một công trình vô tiền khoáng hậu. Vẻ đẹp hiện đại, kỳ vĩ, táo bạo đã giúp Cầu Vàng trở thành một biểu tượng du lịch mới và gần như duy nhất, khó có thể tìm thấy ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Cận cảnh lan can inox mạ titan Cầu Vàng
Cận cảnh lan can inox mạ titan của Cầu Vàng (Nguồn: Asia Pioneer Travel)

Ngoài việc là một hiện tượng du lịch, Cầu Vàng còn là cầu nối giúp du khách dễ dàng di chuyển từ khu vực chân núi hay làng Pháp đến vườn hoa Le Jardin D’Amour, thuộc nội khu của khu du lịch Sun World Ba Na Hills.

Đứng trên cầu, du khách sẽ có cơ hội phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà. Ban ngày là cảnh tượng bình minh ló rạng giữa biển mây điểm xuyết màu xanh của đỉnh núi, là bầu trời chiều tà hồng rực rỡ hòa cùng với sắc vàng phản chiếu từ lan can cầu. Ban đêm là hình ảnh thành phố Đà nẵng ngập tràn trong ánh sáng từ đèn đường và những tòa cao ốc. Đứng tại Cầu Vàng, bạn sẽ có cảm giác choáng ngợp xen lẫn tự hào khi được ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên và sự sầm uất của thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

Đón bình minh trên Cầu Vàng
Cùng người thân yêu đón bình minh trên Cầu Vàng là một khoảnh khắc hạnh phúc không thể quên
Chiều tà trên Cầu Vàng
Nền trời buổi chiều tà hòa với lan can cây cầu biểu tượng nhuộm vàng một góc trời
Hệ thống đèn trên Cầu Vàng
Những dải đèn điện dọc thành phố Đà Nẵng và Cầu Vàng sáng rực một góc trời đêm
Cầu Vàng nằm ở vị trị đắc địa
Cầu Vàng có vị trí đắc địa với tầm nhìn núi non hùng vĩ 

Cầu Vàng được WTA công nhận và thiết lập 5+ kỷ lục khác

Ngày 20/03/2021, tờ Daily Mail của Anh đã công bố kết quả khảo sát về top kỳ quan của thế giới mới. Trong đó, Cầu Vàng của Việt Nam nằm ở vị trí đầu tiên trong danh sách, theo sau là các công trình nổi tiếng khác như Vertical Forest tại Milan, SCI – FI của Singapore.

Ngoài ra, Cầu Vàng còn được vinh danh và đạt nhiều kỷ lục khác, có thể kể đến như:

  • Được vinh danh tại giải thưởng World Travel Awards (WTA) với danh hiệu “Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới” trong bốn năm liên tiếp từ 2020 – 2023, Cầu Vàng đã vượt qua hàng chục đề cử khác như cầu treo Capilano (Canada), cầu treo Mishima Skywalk (Nhật Bản), cầu Tolerance (Dubai)… WTA là giải thưởng thường niên từ năm 1993 đến nay và được ví như Oscar của ngành du lịch thế giới.
  • Tờ The Guardian vinh danh Cầu Vàng là “Cây cầu đi bộ ấn tượng nhất thế giới”.
  • Tạp chí TIME  xếp Cầu Vàng vào danh sách top “100 địa điểm tuyệt vời nhất trên thế giới 2018”.
  • Cầu Vàng nằm trong Top 5 Giải thưởng đặc biệt của năm trong lễ trao giải “The Guide Awards 2018”.
  • Cầu Vàng được trao tặng “Chứng nhận đặc biệt cho công trình xuất sắc” trong lễ trao giải Property Guru Vietnam Property Awards 2019.
Toàn cảnh Cầu Vàng
Cầu Vàng – Kỳ quan thế giới mới nhất định phải đến thăm một lần 

Ngay từ khi ra mắt, “hiệu ứng” Cầu Vàng không chỉ lan tỏa trong “giới lữ hành” mà còn khiến truyền thông thế giới “đứng ngồi không yên”.

  • Tạp chí Bored Panda đã nhắc đến Cầu Vàng trong bài viết với tiêu đề: “Ấn tượng với cây cầu ngoạn mục ở Việt Nam, gợi nhớ đến bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn”. Trong đó, bài báo miêu tả Cầu Vàng khiến du khách mê mẩn với thiết kế ấn tượng và tỏa sáng. Điểm nhấn khiến người ta phải trầm trồ ở Cầu Vàng chính là hai bàn tay khổng lồ lạ mắt chưa từng thấy.
  • Tháng 7/2023, trang tin này tiếp tục nhắc đến Cầu Vàng trong bài viết “Kỷ niệm 5 năm của Cầu Vàng, kỳ quan nhân tạo hiện đại của thế giới” với lời khẳng định cảm giác đầu tiên của du khách khi thấy Cầu Vàng chính là ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lộng lẫy và vô thực, như đến từ một thế giới giả tưởng nào đó.
  • Hãng tin Reuters của Mỹ cũng tường thuật lại miêu tả của kiến trúc sư Vũ Việt Anh về ý tưởng khi thiết kế cây cầu này. “Cây cầu giống như một bàn tay khổng lồ của các vị thần nâng đỡ sợi chỉ vàng”, kèm theo một loạt hình ảnh của cây cầu.
  • Hãng tin CNN dành sự chú ý và cho rằng hàng hoa nữ hoàng xanh được trồng dọc hai bên cầu là điểm nhấn, biến Cầu Vàng trở thành bức tranh thêu màu tím độc nhất vô nhị.
  • Tờ The New York Times miêu tả Cầu Vàng giống như một sợi chỉ vàng, khởi nguồn từ vách đá và được nâng đỡ bởi một đôi bàn tay.
  • Tờ Huffington Post không ngần ngại gọi Cầu Vàng là một “Cây cầu thú vị nhất từng thấy”.
  • Trang National Geographic thể hiện sự ấn tượng với đôi bàn tay đá khổng lồ, hiện ra từ những ngọn núi xanh tươi. Bên cạnh đó, trang tin còn cho biết du khách có thể tản bộ qua những hàng hoa nữ hoàng xanh để ngắm nhìn trọn vẹn núi rừng hùng vĩ.
  • Trang Lonely Planet xếp Cầu Vàng vào bộ sưu tập những cây cầu khiến khách du lịch vỡ òa, bên cạnh cầu kính Thiên Vận Độ ở Trung Quốc, cầu cảng Mann ở Canada.
  • Trang Asia Pioneer Travel đặt tiêu đề cho bài viết về Cầu Vàng là “Cầu Vàng ở Việt Nam: Kỳ quan ẩn hiện trong mây” và gọi đây là một điểm đến khiến du khách phải kinh ngạc bởi tầm nhìn tuyệt đẹp và bàn tay đá khổng lồ kỳ lạ.
  • Kênh BBC News đăng tải một video về Cầu Vàng với tiêu đề: “Thích thú với cuộc tản bộ xuyên qua bàn tay của vị thần”. Trong video dài hơn 1 phút, du khách sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh cây cầu cũng như phóng tầm mắt chiêm ngưỡng quang cảnh thiên nhiên ôm ấp cây cầu.

Cầu Vàng vẫn được truyền thông quốc tế ưu ái dù đã bước qua tuổi thứ 5. Tờ Travel + Leisure liệt kê Cầu Vàng là một trong những hoạt động thú vị nhất ở Đà Nẵng, tạp chí Micenet (Úc) cho rằng Cầu Vàng là một yếu tố giúp miền Trung trở thành điểm nóng của du lịch, tạp chí Ấn Độ Luxebook khẳng định hơn cả một công trình kiến trúc, Cầu Vàng là biểu tượng mới của du lịch Đà Nẵng.

Cầu Vàng trong cảnh bình minh
Kiến trúc đặc biệt và quyến rũ của Cầu Vàng gây ấn tượng mạnh với truyền thông thế giới 

Ngoài truyền thông, các Blogger và du khách cũng không thể giấu sự phấn khích và trầm trồ khi nhìn thấy Cầu Vàng.

Hot blogger đến Cầu Vàng
Hot Blogger Lý Thành Cơ khẳng định Cầu Vàng là điểm phải check in khi đến Bà Nà 
Hoa hậu Miss World 2016 tại Cầu Vàng
Dàn hoa hậu Miss World 2016 vui vẻ thả dáng ở Cầu Vàng
Du khách nước ngoài biết đến Cầu Vàng
Du khách nước ngoài thể hiện sự hứng khởi khi biết về Cầu Vàng

Ngoài ra, Cầu Vàng còn trở thành một “nàng thơ” trong giới nghệ thuật khi nhà sản xuất bộ phim The Sandman (Người Cát) đã thừa nhận lấy cảm hứng từ cây cầu này để xây dựng bối cảnh cho phim. Bên cạnh đó, hình ảnh bàn tay của Celestial trong Eternal cũng khiến người ta liên tưởng đến bàn tay nâng đỡ Cầu Vàng.

Cầu Vàng là nguồn cảm hứng cho phim ảnh
Cầu Vàng trở thành cảm hứng xây dựng bối cảnh cho phim do Netflix sản xuất
Cầu Vàng truyền cảm hứng cho Eternal
Bàn tay trong Eternal gợi nhớ đến Cầu Vàng

Với bài viết này, hy vọng bạn đã nắm được thông tin Cầu Vàng xây dựng năm nào, Cầu Vàng Ba Na Hills ai thiết kế cũng như lý do vì sao cây cầu này trở thành biểu tượng du lịch mới của thế giới. Hãy ghé đến Sun World Ba Na Hills để tận mắt chiêm ngưỡng cây cầu có kiến trúc táo bạo, biểu tượng du lịch của Đà Nẵng nhé! 

Để tìm hiểu thêm về thông tin du lịch tại Ba Na Hills, bạn có thể truy cập vào fanpage hoặc website Sun World Ba Na Hills

:
Bình luận

Email của bạn sẽ không hiển thị

Tin tức khác